Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

Xứ sở bạch dương - Phần 6: Nhà thờ ở St. Petersburg

Nhà thờ chính là những công trình kiến trúc mang sức hấp dẫn mãnh liệt đối với mọi du khách khi đặt chân tới châu Âu. Đó không chỉ là những kiệt tác trong xây dựng mà còn là những tác phẩm nghệ thuật đồ sộ. Ở Nga, tôn giáo thống trị là Chính thống giáo, vì vậy ở khắp các thành phố đều có nhiều nhà thờ lớn nhỏ với phong cách kiến trúc độc đáo và những nhà thờ Chính thống giáo ở St. Petersburg cũng như Moscow luôn được du khách bình chọn vào top nhà thờ đẹp của thế giới. Dưới đây là một số nhà thờ tiêu biểu mà tôi đã ghé thăm.

Nhà thờ Chúa cứu thế trên Máu đổ


Tên gọi của nhà thờ liên quan đến việc nơi đây sa  hoàng Alexander II đã bị thương nặng rồi qua đời sau đó trong vụ ám sát năm 1881. Sau rất nhiều lần bị ám sát hụt thì cuối cùng sa hoàng đã trở thành nạn nhân trong một vụ đánh bom. Một chiếc xe trượt tuyết đã cấp tốc đưa sa hoàng đến Cung điện Mùa đông nhưng rốt cuộc thì sa hoàng đã băng hà do mất quá nhiều máu và vết thương quá trầm trọng. Tại địa điểm sa hoàng Alexander II bị ám sát, nhà thờ Chúa cứu thế đã được xây dựng lên và ngày nay các viên đá lát đường cũng như đoạn lan can sắt nơi sa hoàng ngã xuống vẫn được bảo tồn trong nhà thờ.

Nhà thờ Chúa cứu thế St. Petersburg (gọi theo kiểu dân dã là nhà thờ Máu) được xây dựng theo phong cách truyền thống của các nhà thờ Chính thống giáo Nga với 9 mái vòm hình nấm nhiều màu sắc trông như một tòa lâu đài trong cổ tích, nằm bên dòng kênh Griboedov và cạnh khu vườn Mikhailovskiy. Tường, mái vòm, thân cột... bên trong nhà thờ đều được vẽ những bức tranh lớn về nhân vật và điển tích liên quan đến cuộc đời chúa Jesus. Những bức tranh nổi tiếng của các danh họa cũng như nghệ thuật điêu khắc độc đáo đến từng cm khiến nhà thờ Máu luôn được du khách xếp hạng là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất hành tinh.

Nhà thờ Máu có sự trùng hợp khá thú vị với sa hoàng Alexander II: ngài sinh năm 1818 và mất năm 1881, thọ 63 tuổi. Chiều cao của mái vòm thứ nhất là 81m và mái vòm thứ hai là 63m.

Nhà thờ chính tòa Thánh Isaac

Là một trong những nhà thờ chính tòa lớn nhất thế giới, nhà thờ thánh Isaac có phong cách Tân cổ điển muộn và kiến trúc Byzantine của nhà thờ Hy Lạp. Đây cũng là một trong bốn công trình kiến trúc mái vòm lớn nhất thế giới (cùng với nhà thờ thánh Peter - Ý, nhà thờ thánh Paul - Anh và nhà thờ Santa Maria del Fiore - Ý). Do tòa nhà quá lớn (cao 101,5m, dài 111m, rộng 97m và đường kính mái vòm mạ vàng 26m), tôi không thể chạy ra xa để lấy toàn cảnh nhà thờ được nên mượn tạm tấm ảnh trên mạng để các bạn hình dung kiến trúc bên ngoài nhà thờ.


Nhà thờ thánh Isaac rất rộng và ngoài kiến trúc đồ sộ, đây còn được xem như một bảo tàng nghệ thuật. Rất tiếc do máy ảnh hết pin nên tôi chỉ chụp được vài tấm. Đây là một số cảnh trong nhà thờ.







Nhà thờ Đức mẹ Kazan

Đây là nơi thờ phụng Đức mẹ Kazan - một trong những biểu tượng được tôn kính nhất ở nước Nga và cũng là nơi ghi lại dấu tích quân sự Nga thế kỷ XVIII. Tương truyền rằng dưới thời của Pyotr Đại đế, Đức mẹ Kazan đã hiển linh và ban phép lành tại đây. Năm 1801, theo lệnh của sa hoàng Pavel Đệ nhất, các kiến trúc sư Nga bắt đầu thiết kế một nhà thờ mới và nhờ đó St. Petersburg đã có một nhà thờ không hề thua kém các công trình thời Phục hưng của Italia.

Thánh đường Kazan được xây theo hình bán nguyệt như vòng tay của Đức mẹ đang rộng mở. Mái vòm cao hơn 70m được dựng theo hình cây thánh giá. Đây là nhà thờ được sử dụng thuần túy các nguyên liệu của Nga để trang trí nội và ngoại thất, nên cũng được xem là bộ sưu tập khổng lồ về các loại đá quý của xứ sở bạch dương. 



Sau 10 năm thiết kế và xây dựng, thánh đường Kazan được làm phép thánh và đưa vào sử dụng. Một năm sau đó, thánh đường này có thêm chức năng lưu giữ các hiện vật của cuộc chiến tranh Vệ quốc đánh đuổi quân đội Pháp. Năm 1813, nguyên soái Mikhail Kutuzov - vị tổng chỉ huy đã đập tan uy lực "bất khả chiến bại" của Napoleon - được mai táng tại hầm mộ của thánh đường. Vì vậy, nhà thờ Đức mẹ Kazan không chỉ là một công trình kiến trúc vĩ đại mà còn chứa đựng rất nhiều ý nghĩa lịch sử. Trong hình, phía trước nhà thờ là tượng nguyên soái Kutuzov:


Theo tập tục thì bước vào nhà thờ Đức mẹ Kazan nên có khăn trùm đầu nên tôi đã mua "ngay và luôn" một chiếc khăn ở St. Petersburg để làm kỷ niệm.



Phần sau, tôi sẽ mời các bạn tham quan một nơi có thể được xem là thiên đường nghệ thuật: bảo tàng Hermitage và Cung điện Mùa đông.


Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

Xứ sở bạch dương - Phần 5: Về cố đô xưa

Châu Âu cổ xưa là đâu?

Tôi chợt nhớ câu chuyện về bầu trời đêm trắng phủ xuống một kinh thành hoa lệ, những cây sồi già xao xác lá cùng cỗ xe ngựa lướt nhẹ trong ánh chiều tà. Cảm giác như thời gian đang ngừng trôi trong một phút giây hoài cổ. Nơi ấy, sao lại có thể cổ kính và nên thơ đến thế?


Tôi đến St. Petersburg vào một sớm mùa hè mát lạnh, ăn sáng và uống cappuchino trong một tiệm bánh xinh đẹp gần khách sạn, ngắm thành phố lãng mạn và suy tư qua lớp cửa kính mờ sương. Bánh mì kẹp cá hồi rất ngon, cà phê thơm tan đầu lưỡi, cảm giác mọi thứ đều êm dịu, chậm rãi và bình yên.


St. Petersburg được thành lập vào năm 1703 cùng với giấc mơ của Sa hoàng là xây dựng một thành phố thật giàu đẹp thông ra biển Baltic để chứng tỏ sự hùng mạnh của nước Nga. Pyotr Đại đế chính là người đặt nền móng xây dựng thành phố, bắt đầu với pháo đài Peter & Paul trên Đảo Thỏ dành được từ tay người Viking (Thụy Điển). Là một hoàng đế nhưng ông cũng là người trực tiếp giám sát công trình. Đảo Thỏ từng là căn cứ quân sự quan trọng của thành phố, nơi đây cũng có nhà thờ mang phong cách kiến trúc Baroque đầu tiên của Nga và nhiều công trình khác như xưởng đúc tiền, xưởng sản xuất binh khí, tháp chuông...



Pháo đài Peter & Paul, ngày nay mang tên Petro-Pavlov, là một trụ tháp bằng đồng cao vút, từ bờ sông Neva nhìn sang như một cây bút khổng lồ vẽ lên trời xanh.


St. Petersburg có nghĩa là "thành phố của thánh Peter". Khi đặt tên cho thành phố, Pyotr đại đế đã chọn vị thánh có khả năng đi trên nước nếu đủ đức tin và chiến thắng mọi kẻ thù, với hàm ý đây sẽ là một kinh đô bất khả xâm phạm và là cửa ngõ giao thương đường thủy lớn nhất phương Bắc. Với tầm nhìn xa trông rộng, vị hoàng đế này thấy rõ vùng đất xinh đẹp với sông Neva chảy từ hồ Ladoga đổ ra biển Baltic tại vịnh Phần Lan là một đường thủy huyết mạch của vùng Tây Bắc. Là người khai sáng thành phố, biến vùng đầm lầy rộng lớn thành một kinh thành hoa lệ có vị trí chiến lược và đặt nền móng cho một cường quốc châu Âu thời kỳ đó, Pyotr Đại đế được đánh giá là một hoàng đế vĩ đại. Ông được nhân dân bình chọn là nhân vật lịch sử kiệt xuất nhất của nước Nga (trên cả Lenin) và gọi là "Cha của Tổ quốc". Tượng của ông được đặt trong khuôn viên Đảo Thỏ và tương truyền rằng, ai đến vuốt vào bàn tay của ông sẽ rất may mắn.


Nổi tiếng nhất trong các bức tượng Pyotr đại đế là tượng "kỵ sĩ đồng". Bức tượng vô cùng kỳ vĩ, với hình dáng nhà vua phi ngựa hướng lên trời xanh rất hùng dũng. Dù vậy, 2 chân sau của con ngựa lại dẫm vào một con rắn với ngụ ý rằng đức vua dù rất tài giỏi vẫn gặp trở ngại trong sự nghiệp.


Là thành phố gần với cực Bắc, chịu ảnh hưởng của hiện tượng cực quang mùa hè, St. Petersburg nổi tiếng với những "đêm trắng" từ tháng 6 qua tháng 7. Hơn 10 giờ tối, nắng vẫn chan hòa trên dòng sông Neva. Vào thời điểm này, mặt trời hiện diện ở thành phố khoảng 20 tiếng mỗi ngày.


Đêm trắng là những ngày hầu như không có đêm, nền trời phủ một màu trắng sữa huyền ảo và dân tình đổ ra đường chơi rất đông. Đêm trắng - lãng mạn nhất là chơi thuyền trên sông Neva ngắm kinh thành cổ kính.





St. Petersburg còn nổi tiếng với những dòng kênh xanh mát đổ vào sông Neva. Hệ thống kênh rạch chằng chịt cùng rất nhiều cây cầu cổ kính cũng như tuyến giao thông thủy sầm uất khiến nơi đây được mệnh danh là "Venice phương Bắc". Bên các dòng kênh ấy là những công trình kiến trúc mỹ lệ, là những cafeteria đầy hoa thơ mộng, là những xe bắp tỏa hơi nghi ngút, là những con đường mùa này cây xanh lá, vương vấn bước chân ai.






Tôi thích những ngày trời se lạnh trong thoáng mưa bụi bay bay rồi bừng lên màu nắng rất trong, đi bộ trên những góc phố cổ kính và diễm lệ, ngắm nhìn những chiếc xe du lịch xinh đẹp, những cỗ xe ngựa lóc cóc trên quảng trường, bồ câu dạo đầy góc phố, tận hưởng vẻ đẹp sông nước lãng mạn và chiêm ngưỡng thành phố của đêm trắng với nắng vàng rực rỡ khi đã về đêm.








St. Petersburg còn là thành phố của di tích, văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật cùng những cung điện vừa tráng lệ vừa thơ mộng, những nhà thờ tuyệt mĩ và nguy nga đến choáng ngợp mà tôi sẽ đề cập dần trong những phần sau.



Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

Xứ sở bạch dương - Phần 4: Khi thành phố thức

Vào mùa hè, ở Moscow khoảng 10h tối mới tắt nắng, và bầu trời bắt đầu chuyển màu xanh thẳm. Thành phố lên đèn, rực rỡ và lung linh.

Đêm se sắt lạnh với những cơn gió nhẹ lùa qua rặng cây, phải mặc áo khoác và quàng khăn giữ ấm. Dẫu vậy, không thể ngăn bước chân dạo chơi đây đó, hay du thuyền trên sông ngắm thành phố về đêm.


Mà làm sao có thể giữ lòng thôi xao xuyến trước khung cảnh huyền ảo và lung linh ấy?

Tôi nhớ những đêm du thuyền thả hoa đăng trên dòng Hương thơ mộng và ngắm cầu Trường Tiền đổi màu rực rỡ, nhớ những nhà hàng nổi xuôi từ bến Bạch Đằng ra mãi Nhà Bè để ngắm Sài Gòn đêm, nhưng có lẽ, còn diễm lệ hơn thế rất nhiều, bởi sông Moscow về đêm là dòng sông dát vàng lộng lẫy. Muôn ngàn ngọn đèn rực sáng hai bên bờ sông và những công trình kiến trúc đem lại vẻ đẹp mê hoặc ngoài sức tưởng tượng.

Chợt thèm có anh ở đây, để ôm mình trong một vòng tay ấm và chụp cho mình mấy tấm ảnh đêm...

Thành phố thức, không chỉ vì ánh sáng dàn trải khắp các nẻo đường, mà còn vì những hoạt động về đêm sôi động. Bên bờ sông, dưới cánh rừng lá phong thơ mộng, thanh niên kéo nhau ra hò hẹn, vui đùa... khiến con tim tôi lại rạo rực như đang trở lại tuổi đôi mươi. Những con tàu tấp nập lướt trên sông, những nhà hàng đêm vẫn còn đông khách, và trên những chiếc cầu duyên dáng kia có biết bao cặp tình nhân đang hò hẹn...





Hơn 11 giờ khuya, tàu đi ngang khúc sông nhìn về quần thể du lịch của Moscow. Trong màn đêm, điện Kremlin, nhà thờ thánh Basil, nhà thờ chúa cứu thế... với những chóp vàng nguy nga... - tất cả hiện ra dưới ánh sáng lộng lẫy. Nhưng tôi không diễn tả hết được vẻ đẹp ấy vì một lý do lãng xẹt: máy ảnh hết pin sau một ngày dài "tác nghiệp". :)
















Đêm ở đồi Chim sẻ trước Đại học Quốc gia Moscow (còn gọi là MGU, Lomonosov) rất nhộn nhịp. Thanh niên đem mô tô ra đây tụ tập đua xe rất hoành tráng. Vì đua hợp pháp nên cũng phô diễn ghê gớm lắm. Từ đồi Chim sẻ có thể ngắm toàn thành phố Moscow, còn đại học MGU phía sau như một tòa lâu đài mỹ lệ.





Tôi còn nhớ một đêm muộn khi du thuyền trở về, tạt vào tiệm bánh ăn khuya, trời bỗng đổ mưa to. Trà đen Nga rất ngon, từ bên trong uống tách trà ấm và nhìn ra phố xá sáng choang loang loáng nước có một cảm giác rất đặc biệt. Vẫn kịp bắt chuyến Metro trước 1h đêm để về khu phố nhỏ thanh bình.

Cái cảm giác vào thời khắc trời đất giao hòa ấy làm tôi nhớ đến câu thơ của Bằng Việt:

Em có thể là gì sau trang sách Paustovsky?
Là một ánh bình minh xanh mờ không thể tắt?
Hay hương mát rừng thông cao ẩm ướt?
Một bóng mây khắc khoải cả mùa hè?

Anh không biết dãy phố ta đi hôm ấy gọi là gì?
Không biết lá trên đầu sao buổi chiều phát sáng?
Giọt nước mắt long lanh giữa tình yêu, tình bạn,
Những kỷ niệm nơi này xáo trộn với nơi kia...


Tôi kể theo dòng cảm xúc chứ không theo trình tự chuyến đi, vì vậy xin tạm biệt Moscow ở đây để chuyển sang một thành phố khác. Tôi sẽ quay lại sau để kể về những phố đi bộ cổ kính và thơ mộng, về điện Kremlin, quảng trường đỏ cùng những nhà thờ đẹp bậc nhất thế giới, cả khu chợ lưu niệm có những gian hàng Matryoska xinh đẹp. Còn phần tới đây, hãy lắng lòng một chút để quay về nước Nga của ngày xưa cũ, nơi có những cung điện nguy nga đầy sắc màu hoài cổ và những cỗ xe ngựa lướt trong bóng chiều, cùng một thành phố mà tôi cho rằng ít nhất phải nên đến một lần trước khi chết: St. Petersburg.